Nguồn: https://vtc.vn/startup-tien-sy-san-xuat-cac-san-pham-be-tong-cong-nghe-cao-d443945.html
Chỉ sau hơn nửa năm startup với xưởng sản xuất bê tông công nghệ cao, các sản phẩm mang thương hiệu CMAT của startup, TS. Lê Thanh Hà đã bắt đầu được sử dụng phổ biến ở nhiều công trình lớn và phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân.
Có thể kể đến như sản phẩm nan gió bê tông mỏng để lấy gió, lấy ánh sáng và tạo vẻ đẹp kiến trúc tại khu nhà ở Vinhomes Riverside Long Biên; các chậu cây công trình cho khu đô thị Gamuda City và Ecopark; tủ bê tông cho khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge ở Sapa; gạch sân cỏ ở Garden City, gạch lát vỉa hè cho khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake)… Ngoài ra, công ty ông cũng bắt đầu kết nối, cung cấp sản phẩm và chuyển giao công nghệ cho những đối tác tại Sài Gòn, Phú Quốc và các đô thị lớn.
VTC News đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thanh Hà để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện khởi nghiệp hiếm có này của một người làm nghiên cứu.
- Khởi điểm là một nhà nghiên cứu, lý do nào khiến ông muốn bắt tay vào sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ của mình?
Công nghệ sản xuất bê tông công nghệ cao đã được tôi chuyển giao cho nhiều đối tác, bao gồm cả các công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và những đơn vị tư nhân vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với vai trò là nhà nghiên cứu, tôi muốn tận tay “nhào nặn” nên “những đứa con của mình” và đưa ra thị trường. Bởi tôi cho rằng thị trường chính là hội đồng khoa học chuẩn chỉ nhất, yêu cầu cao nhất để đánh giá một cách khách quan, đầy đủ kết quả của một người nghiên cứu.
Bên cạnh đó, việc tự tay áp dụng công nghệ của mình vào trong thực tế cũng giúp tôi có thể kết hợp với các đối tác nhằm mở nhiều xưởng sản xuất lớn hơn ở nhiều địa phương trên cả nước. Bởi công nghệ không phải là thứ vừa chuyển giao là có thể áp dụng để sản xuất được ngay mà cần một quá trình để việc tiếp nhận đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, sự chuyển giao công nghệ được lan rộng và đi xa hơn, giúp ích cho đời sống xã hội.
- Tại sao công nghệ sản xuất bê tông công nghệ cao cần được chuyển giao rộng rãi như vậy?
Công nghệ này tạo ra loại bê tông có thế thay thế đá tự nhiên nên còn được gọi là đá nhân tạo. Qua quá trình kiểm định tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ, chất lượng các sản phẩm của CMAT đều tương đương hoặc bằng với chất lượng của đá granite theo TCVN 4732 : 2007 về đá lát tự nhiên. Do đó, giúp làm giảm việc khai thác đá tự nhiên trên thực tế, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng của con người đối với môi trường.
Mặt khác, các loại bê tông thông thường có thành phần chủ yếu là xi măng, đây là loại vật liệu sử dụng nhiều nhiên liệu trong quá trình sản xuất, do đó, việc sản xuất cũng phát thải ra nhiều khí nhà kính hơn. Trong khi đó, bê tông công nghệ cao được tạo ra từ những phế thải công nghiệp, điển hình là tro bay từ ngành nhiệt điện. Việc đưa các thành phần này vào nguyên liệu sản xuất nên bê tông không những làm cải thiện chất lượng của sản phẩm, mà còn là sự tận dụng phế thải công nghiệp thay thế xi măng.
Có thể gọi chúng là tài nguyên phế thải, nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác mà Việt Nam chưa biết cách sử dụng đúng. Từ đó, giúp cho bê tông thành phẩm “xanh” hơn, bền vững và thân thiện với môi trường hơn mà chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là phải sử dụng phế thải phù hợp và có tỷ lệ, hàm lượng nhất định để bê tông đạt được chất lượng tốt nhất.
Đặc biệt, giá thành sản phẩm của CMAT vô cùng cạnh tranh. Với bê tông công nghệ cao ở phân khúc phổ thông có tính thẩm mỹ cao hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành chỉ bằng với các sản phẩm trên thị trường. Trong khi đó, ở dòng cao cấp, các sản phẩm đá nhân tạo có giá thành chỉ bằng khoảng 0,7 so với giá thị trường. Chẳng hạn như đá lát, giá thị trường là 250.000 đồng, nhưng với đá lát nhân tạo, giá chỉ là 180.000 – 200.000 đồng.
- Như vậy, sản phẩm công nghệ này được chia ra là hai dòng với các đối tượng khách hàng khác nhau?
Các sản phẩm bê tông công nghệ cao được chia làm 2 dòng sản phẩm, nhắm tới nhóm khách hàng cao cấp và nhóm đối tượng phổ thông.
Thứ nhất, dòng sản phẩm bê tông chất lượng cao, siêu cao. Dòng sản phẩm này thường được sử dụng trong những khu nghỉ dưỡng (resort) hoặc các đô thị chất lượng cao… Về mặt kỹ thuật, ta hoàn toàn có thể chế tạo ra sản phẩm có hình dạng, họa tiết, kích thước, màu sắc khác nhau, phù hợp với yêu cầu khách hàng cũng như thẩm mỹ công trình. Cụ thể, đối tượng khách hàng của dòng sản phẩm cao cấp do CMAT cung cấp là các chủ đầu tư, như Vinhome, Ecopark, Garden City…
Thứ hai, dòng sản phẩm bê tông thông dụng, chẳng hạn như bê tông số 8 của chúng tôi có mặt rất mịn, bóng, khi khô có màu trắng, nếu trồng cỏ xen kẽ vào các khoảng trống của bê tông thì sẽ tôn lên màu xanh tự nhiên, khiến không gian ngoài trời có sử dụng sản phẩm này trở nên “mát mắt”, đẹp và thân thiện với môi trường hơn. Với độ dày là 8cm và cường độ hơn 20 MPa, gạch bê tông số 8 của MCAT có thể được sử dụng cho các bãi đỗ xe. Với các sản phẩm dân dụng, chúng tôi thường đưa tới các cửa hàng vật liệu xây dựng để đưa vào thị trường.
- Vừa là người nghiên cứu, vừa là người phát triển sản xuất sản phẩm, ông tốn ít thời gian hơn để hoàn thiện sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng?
Đầu tiên ta vẫn phải nói đến từ lý thuyết, chọn lựa vật liệu này hay vật liệu kia cho ra tính chất của sản phẩm như thế nào… là một quá trình nghiên cứu mang tính tổng hợp và khảo cứu. Sau đó, chúng tôi triển khai, đánh giá các tính chất đó của vật liệu trong thực tế với công thức để cho ra những mẫu vật liệu nhằm kiểm định chất lượng. Từ vật liệu mẫu, chúng tôi mới tiến hành chế tạo các sản phẩm cho thị trường. Chúng tôi đang xây dựng phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm (phòng RD) cho mục đích này.
Đối với dòng chất lượng cao, để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, không rỗ, nhẵn bóng, cứng như đá, chúng tôi mất khoảng 3 tháng để phát triển từ vật liệu ra. Còn dòng phổ thông, do đã có kinh nghiệm nghiên cứu về công nghệ bê tông nên khi nhìn các sản phẩm trong thực tế trên thị trường, tôi có thể học hỏi và rút ngắn được thời gian nghiên cứu, phát triển để tạo ra các sản phẩm như vậy, thậm chí là đẹp hơn chỉ trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
- Có khó khăn nào trong quá trình nghiên cứu và sản xuất sản phẩm không, thưa ông?
Về mặt chuyên môn, để cho ra những sản phẩm đều đặn, chất lượng ổn định là điều rất khó bởi chất lượng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất có sự biến thiên liên tục. Chẳng hạn, cát được lấy từ nhiều bãi khác nhau, chất lượng khác nhau. Nếu ta không có kiến thức, linh hoạt điều chỉnh, cấp phối thì thành phẩm sẽ có rất nhiều lỗi. Thực tế, chúng tôi đã gặp phải trường hợp sản xuất lỗi một mẻ sản phẩm, có thể là do chất lượng cát vàng bị pha tạp với quá nhiều cát đen gây ra yếu và sứt cho bê tông. Vấn đề khác nữa liên quan đến thuộc tính bê tông, cùng một nguyên liệu đầu vào với tỷ lệ thành phần như nhau nhưng chất lượng thành phẩm lại có sự thay đổi, xê dịch trong một khoảng nhất định.
Nhưng đối với tôi, khó khăn lớn nhất là sự chuyển đổi bản thân, từ một người nghiên cứu sang người quản trị doanh nghiệp. Có rất nhiều vấn đề tôi phải giải quyết và từng bước học hỏi, cải thiện qua thực tế làm việc, qua bạn bè và nhiều nguồn khác nhau như câu chuyện về công nghệ, quản trị nhân lực, quản trị tài chính, quản trị chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực sản xuất… Tôi cho rằng phát triển chậm nhưng chắc từ một doanh nghiệp nhỏ chắc chắn là một hướng đi đúng đắn.
Trong đó, đào tạo nhân lực là một công việc khó. Đối với những nhân viên của CMAT, đặc biệt là các kỹ sư, tôi sẽ cùng làm việc với họ trong vòng 1 năm để sát cánh về mặt kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm, sau đó, họ mới có thể tự làm được những công việc này.
- Vậy trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường thì sao?
Khó khăn lớn nhất khi đưa sản phẩm ra thị trường có lẽ chính là việc không có nhiều kiến thức về thị trường. Chẳng hạn như, trước đây, CMAT đã sản xuất chậu cây khổ lớn 50x50cm, 40x40cm (đường kính x chiều cao) và chào hàng đối với các cửa hàng cây cảnh ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).
Tuy được họ đánh giá tốt về mặt thẩm mỹ và chất lượng nhưng với mục đích sử dụng dân dụng thì các sản phẩm này là không phù hợp bởi khối lượng khá nặng và kích thước lớn. Thay vào đó, chúng lại phù hợp với các thị trường ở những công trình, đô thị. Đó chính là một lỗi sai trong việc xác định đối tượng khách hàng xuất phát từ sự thiếu kiến thức thị trường mà ra. Bên cạnh đó, nhân lực để tiếp cận thị trường của CMAT còn chưa nhiều.
- Ông có dự định như thế nào với các sản phẩm từ công nghệ sản xuất bê tông công nghệ cao trong tương lai?
Trong tương lai, CMAT sẽ đưa ra những sản phẩm mà thị trường chưa có hoặc phải nhập ngoại để có khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ như tấm ốp tường dày 5mm, hiện nay chỉ có thể mua được với giá rất cao các sản phẩm nhập ngoại, khoảng hơn 1 triệu đồng/m2 chưa thi công, để thi công phải tiêu tốn lên đến 2,5 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tấm ốp này đã được CMAT sản xuất ra với giá bán hết sức cạnh tranh, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động về mặt kích thước và màu sắc. Ngoài ra, tấm ốp tường dày 5mm rất được ưa chuộng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, chúng tôi hy vọng trong tương lai có thể đưa các sản phẩm này ra nước ngoài. Mặt khác, chúng tôi vẫn sẽ bám sát theo nhu cầu của thị trường, để từng bước củng cố thương hiệu rồi sau đó sẽ tung ra nhiều sản phẩm hơn.
Tin liên quan