Bê tông nhựa được sử dụng trong đường bộ, các dự án sân bay, nhà xưởng, bãi đỗ xe, đường sá đô thị,…
Nhằm tăng chất lượng của hỗn hợp bê tông nhựa (BTN) sử dụng phụ gia trộn trực tiếp tại trạm trộn bê tông, giúp tăng hiệu quả kinh tế, tránh tai nạn lao động rủi ro trong quá trình thi công trộn bê tông, nhóm nhà khoa học đến từ Trung tâm Khoa học công nghệ Giao thông vận tải (GTVT), trường Đại học GTVT đã chế tạo và thương mại hóa thành công thiết bị tự động cấp phụ gia dạng hạt có định lượng cho các trạm trộn bê tông nhựa nóng tại Việt Nam hiện nay.
Để giúp độc giả hiểu thêm về thiết bị công nghệ mới này, phóng viên VTC News đã có buổi phỏng vấn TS Lương Xuân Chiểu – Phó giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT (KHCN GTVT) – người phát minh công nghệ mới này và đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ cho giải pháp hữu ích; PGS.TS Lã Văn Chăm – Giám đốc Trung tâm, Trưởng bộ môn Đường bộ trường Đại học Giao thông Vận tải.
- Thưa TS Lương Xuân Chiểu, xuất phát từ đâu mà ông có ý tưởng phát minh thiết bị tự động cấp phụ gia hạt có định lượng cho các trạm trộn bê tông nhựa nóng?
TS Lương Xuân Chiểu: Nhằm khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, các chuyên gia của Nhà trường đã nghiên cứu thành công phương pháp trộn phụ gia SBS trực tiếp tại trạm trộn và được triển khai tại một số dự án thì việc cấp phụ gia bằng thủ công vào buồng trộn rất vất vả cho công nhân. Trong khi đó, các thiết bị hỗ trợ việc này ở thị trường trong nước chưa có, còn thiết bị nước ngoài thì đơn giá quá cao. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào suy nghĩ và nghiên cứu với quyết tâm thiết kế ra thiết bị này.
- Xin ông cho biết một vài thông tin cụ thể về Thiết bị cấp phụ gia dạng hạt tự động cho trạm BTN nóng?
TS Lương Xuân Chiểu: Đây là một thiết bị được chế tạo với mục đích cung cấp các loại phụ gia dạng hạt được sử dụng để cải thiện chất lượng của bê tông nhựa. Từ thực tế cung cấp phụ gia tại các trạm trộn bê tông mà chúng tôi đã quan sát được, thiết bị đã được thiết kế nhằm cung cấp phụ gia theo đúng định lượng cần thiết, đúng thời điểm và đảm bảo tính đồng đều trong quá trình sản xuất bê tông nhựa tại trạm trộn.
Vì thiết bị được thiết kế để phù hợp với tất cả các trạm trộn BTN tại Việt Nam nên sản phẩm có giá thành rẻ, thời gian lắp đặt nhanh chỉ mất khoảng nửa ngày, vận hành tự động và đồng bộ với hệ thống điều khiển của trạm trộn.
- Tới nay, thiết bị này đã được áp dụng trong thực tế như thế nào thưa ông?
PGS.TS Lã Văn Chăm: Thiết bị này đã được triển khai thử nghiệm phục vụ cho các dự án từ năm 2014. Tính đến nay, thiết bị đã được lắp đặt cho hàng trăm trạm trộn của các dự án khác nhau trên khắp cả nước từ Bắc tới Nam.
Đặc biệt các chuyên gia công ty Taiyu Kensetsu là công ty của Nhật chuyên cung ứng giải pháp sử dụng phụ gia tăng tính năng của bê tông nhựa đã lựa chọn thiết bị của Trung tâm sử dụng dụng cho dự án tại Việt Nam.
- Xin ông cho biết, ông đã làm thế nào để thiết bị cấp phụ gia dạng hạt tự động cho trạm BTN nóng được ứng dụng rộng rãi trên thị trường?
TS Lương Xuân Chiểu: Để ứng dụng thiết bị trong thực tế, điều đầu tiên chúng tôi phải vượt qua là sự e ngại của đối tác. Họ là những người chủ sản xuất các trạm bê tông nhựa. Bởi vì giá trị của các trạm trộn đó rất cao, đồng thời từ trước đến nay các trạm trộn truyền thống hoàn toàn không có thiết bị cung cấp phụ gia dạng hạt. Sản phẩm của chúng tôi mặc dù hỗ trợ cho trạm nhưng các chủ trạm lại có tâm lý e ngại thiết bị sẽ gây hư hỏng hoặc cản trở hoạt động của trạm trộn chính.
Tuy vậy, chúng tôi lại có rất nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vậy nên chúng tôi hiểu tổng quan nhiệm vụ mà các trạm trộn cần thực hiện. Các đơn vị khi mua thiết bị cho các trạm trộn đã được các chuyên gia vật liệu của Trung tâm tư vấn hỗ trợ thiết kế cấp phối, truyền đạt kinh nghiệm kiểm soát chất lượng. Nhiều dự án được Trung tâm hỗ trợ đã khắc phục được hiện tượng hằn lún vệt bánh xe và hư hỏng nứt vỡ bê tông nhựa. Vậy nên khi họ mua sản phẩm của chúng tôi, các chủ trạm vừa có thiết bị và vừa có tư vấn từ phía các chuyên gia, sản phẩm họ làm ra không bị hư hỏng, bởi vậy uy tín về thiết bị cũng tăng lên.
- Theo ông đánh giá thì thị trường dành cho sản phẩm này hiện nay như thế nào?
PGS.TS Lã Văn Chăm: Hiện nay thiết bị cấp phụ gia do Trung tâm nghiên cứu chế tạo đã chứng minh được nhiều ưu điểm nổi trội như: đơn giản, hiệu quả, hoạt động ổn định, lắp đặt được với tất cả các loại trạm trộn hiện có. Do vậy các trạm trộn hiện nay trên cả nước nếu có sử dụng phụ gia dạng hạt đều lắp đặt sản phẩm của Trung tâm.
- Trong tương lai, ông mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp như thế nào để tiếp tục phát triển sản phẩm khoa học của mình đó là “Thiết bị cấp phụ gia dạng hạt tự động cho trạm BTN nóng”?
PGS.TS Lã Văn Chăm: Thực sự sản phẩm này hiện đang được các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước quan tâm, tôi cho rằng đó là bước thành công của trung tâm. Trong tương lai chúng tôi dự định sẽ hợp tác với doanh nghiệp của Nhật Bản để nâng cao thêm các tính năng cho thiết bị và có thể cung cấp cho các nước trong khu vực.
- Xin ông hãy cho biết một số dự định trong tương lai về nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm khoa học và ứng dụng khoa học?
PGS.TS Lã Văn Chăm: Trung tâm KHCN GTVT có nhiệm vụ chính là đào tạo môn thí nghiệm chuyên môn cho ngành công trình, Cơ khí, Điện - Điện tử; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi đã thương mại hóa một số sản phẩm khoa học tiêu biểu ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả như: Thiết bị cấp phụ gia dạng hạt tự động cho trạm BTN nóng; Thiết bị chống ngủ gật cho ngành đường sắt; Thiết bị quan trắc tự động nhận dữ liệu từ xa…
Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ phối hợp với đội ngũ chuyên gia nhiều lĩnh vực như: Công trình, Cơ khí, Tự động hóa của Nhà trường, các nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phục vụ cho ngành Giao thông Vận tải theo xu hướng ứng dụng công nghệ tự động hóa phục vụ hiệu quả cho sản xuất.
Tin liên quan