Tham dự tại Triển lãm Vietbuild 2017 lần thứ 3 tại Hà Nội, gian hàng của trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan và nhiều doanh nghiệp khi giới thiệu, trưng bày và thương mại hóa các sản phẩm vật liệu xây dựng mới.
Trao đổi với phóng viên VTC News, TS. Lê Thanh Hà – Trưởng nhóm nghiên cứu, Giảng viên bộ môn Vật liệu xây dựng, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học GTVT - cho biết, tại triển lãm lần này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 dòng sản phẩm, đó là bê tông nghệ thuật và bê tông công nghệ cao cho công trình xây dựng.
Trong số đó, các sản phẩm có tính đột phá nhất là các loại bê tông bột mịn thông minh (chỉ cần trộn nước là sử dụng được) và các sản phẩm bê tông nghệ thuật trang trí, nội ngoại thất công trình, như mặt bàn "bê tông kính” mà không phải làm từ kính. Xét về phương diện khoa học bê tông, những công nghệ tiên tiến nhất cũng được giới thiệu, như bê tông cường độ siêu cao, bê tông tự đầm cường độ siêu cao, bê tông nhẹ cường độ cao, bê tông thoát nước, bê tông vi hạt … Điều đặc biệt, tất cả các sản phẩm bê tông này đều chế tạo thành công từ nguyên liệu trong nước.
“Đối với bê tông tự đầm chất lượng cao và bê tông cường độ siêu cao, chúng tôi dựa trên cơ sở công nghệ phụ gia. Thông thường khi trộn bê tông với tỷ lệ nước trên xi măng thấp, bê tông khá là khô và khó thi công. Tuy nhiên, với phụ gia siêu dẻo thì chúng ta hoàn toàn có thể phân tán các chất rắn trong môi trường lỏng, làm cho bê tông chảy, có khả năng tự đầm, dùng để chế tạo các sản phẩm như chậu cây, mặt bàn, …” – TS Lê Thanh Hà chia sẻ.
Theo TS. Lê Thanh Hà, với các sản phẩm trang trí nội ngoại thất, thì bê tông đã có một đời sống mới, đời sống nghệ thuật và trang trí, tạm gọi “bê tông biến hình”. Trước kia bê tông chỉ là vật liệu màu xám, thô ráp cho các kết cấu công trình, giờ bê tông đang dần trở thành những vật phẩm không thể thiếu trong kiến trúc cảnh quan, trong phòng khách, trong phòng bếp, cầu thang … và các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.
Anh cũng cho hay, tất cả các sản phẩm mà anh nghiên cứu đều hướng đến việc sử dụng các chất thải trong công nghiệp, nhất là công nghiệp nhiệt điện để làm ra sản phẩm vật liệu xây dựng mới được giới thiệu trong triển lãm Vietbuild lần này. Điều đó làm cho các sản phẩm khoa học này thân thiện với môi trường và giúp phát triển đô thị bền vững.
TS Lê Thanh Hà cho biết, hiện nay đã có 02 doanh nghiệp quan tâm và hợp tác với nhóm nghiên cứu về các sản phẩm này. TS Lê Thanh Hà cũng đã tham gia tư vấn và bước đầu chuyển giao công nghệ về bê tông cho một số công ty, trong đó có công ty về nâng cao chất lượng bê tông, giúp giảm giá thành và nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
TS Lê Thanh Hà chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, trường ĐH GTVT đã luôn quan tâm ủng hộ, đặc biệt trong những ngày diễn ra triển lãm, các lãnh đạo nhà trường cũng tới tham quan gian hàng, trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những người làm khoa học, nâng cao tinh thần hăng say trong nghiên cứu để cho ra những sản phẩm hữu ích, cống hiến cho ngành GTVT nói riêng, cho cộng đồng và xã hội nói chung.
Trong tương lai, ngoài các sản phẩm bê tông kể trên, TS Lê Thanh Hà cho biết, anh dự định sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm mới phục vụ công tác sửa chữa gia cố và trang trí nội ngoại thất công trình.
Tin liên quan